-Lí luận văn học bao gồm những kiến thức thuộc về “hình tượng văn học”, “nhân vật văn học”, “văn học – nghệ thuật ngôn từ”, “chi tiết nghệ thuật”, “tình huống truyện”, “đặc trưng thơ ca”, “chức năng văn học: thẩm mĩ – giáo dục – nhận thức”, “quá trình sáng tác và tiếp nhận văn học”, “tính dân tộc”…. nó được thể hiện qua kiến thức diễn giải hoặc nhận định/ câu nói của các nhà thơ, nhà văn, nhà lí luận phê bình. Những kiến thức này các em phải bồi đắp từng ngày, từng giờ, phải đọc và học. Đối với các em THPT thì đọc giáo trình Lí luận văn học (Phương Lựu chủ biên) quả là một điều khó khăn. Vậy nguồn tư liệu mà các em cần tìm hiểu là ở đâu? Không đâu xa, những kiến thức cơ bản nhất có – thể – áp – dụng – cho – mọi – bài – văn nằm ở hai bài: “Qúa trình văn học và phong cách văn học” (Tập 1 – Ngữ văn 12), “Giá trị văn học và tiếp nhận văn học” (Tập 2 – Ngữ văn 12).

Kỹ năng làm văn nghị luận văn học
-Đôi khi đề bài sẽ gợi ý cho chúng ta sử dụng kiến thức lí luận văn học, chẳng hạn: Phân tích chi tiết nắm lá ngón (“Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài). Vậy các em nhất định sẽ phải giải thích thế nào là chi tiết nghệ thuật, ý nghĩa của nó và minh họa bằng vài chi tiết sống động trong các tác phẩm mà các em yêu thích. Phần này được viết ở đoạn đầu thân bài.
-Vậy còn những dạng đề cơ bản, chẳng hạn: Cảm nhận về hình tượng người lính Tây Tiến (“Tây Tiến” – Quang Dũng) thì mình có nhất thiết phải dùng kiến thức lí luận hay không? Không cũng được các em ạ, vì đề đâu yêu cầu. Nhưng riêng anh, anh lại thích và phải sử dụng, vì kiến thức lí luận không phải ai cũng có được, phải thực sự yêu văn hoặc được GV giảng chuyên đề lí luận các em mới có hiểu biết. Mà có hiểu biết về nó thì không đưa vào thì rất uổn. Trong khi đưa vào là cách các em tự phân hóa khả năng mình với các bạn khác. Vậy ta sẽ đưa như thế nào?
+ Đề bài yêu cầu cảm nhận về hình tượng người lính, hình tượng nhân vật Mị, Tràng, bà cụ Tứ: sử dụng kiến thức THẾ NÀO LÀ HÌNH TƯỢNG? ĐẶC TRƯNG CỦA HÌNH TƯỢNG VĂN HỌC (Bằng nghệ thuật ngôn từ, người nghệ sĩ đã biến nhân vật hiện lên y như thật, run rẩy, phập phồng, biến hóa trên trang văn, trước mắt người đọc. Ngôn ngữ văn chương có khả năng thật kì diệu…) Hoặc các em có thể PHÂN LOẠI NHÂN VẬT (theo cách mà lí luận văn học phân loại), chỉ ra đó là nhân vật chính hay phụ, hay nhân vật trung tâm, hay nhân vật chính diện, hay nhân vật phản diện…
+ Hầu hết, đối với các tác phẩm văn học hiện đại (văn 12) và tất cả các tác phẩm văn học khác các em đều có thể sử dụng kiến thức lí luận: VĂN HỌC BẮT NGUỒN TỪ HIỆN THỰC CUỘC SỐNG làm nền để giải quyết vấn đề. Phần này có thể nêu ở đầu đoạn thân bài hoặc ngay mở bài vẫn được. Cụ thể: Đối với thơ ca kháng chiến thì các em có thể dùng kiến thức Hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh trở thành một mảnh đất phong phú, màu mỡ trong thơ các những năm 1945 – 1975; đối với các truyện “Vợ chồng A Phủ”, “Vợ nhặt”, “Chiếc thuyền ngoài xa”… có thể vận dụng kiến thức “Văn học và cuộc sống là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm chính là con người” (Nguyễn Minh Châu) để dẫn dắt vào vấn đề. Đối với các tác phẩm viết về chủ đề đất nước/ lòng yêu nước thì có thể dùng kiến thức CHỦ ĐỀ YÊU NƯỚC trở thành sợi chỉ đỏ trong thơ văn…
+ Đối với các truyện ngắn có tình huống truyện sâu sắc, ngay từ đầu các em có thể giới thiệu luôn: truyện được viết theo TÌNH HUỒNG (lát cắt trên thân cây mà nhìn vào đó có thể thấy được trăm năm đời thảo mộc) gì? Nhận thức hay hành động, hay tâm trạng? Ví dụ truyện “Vợ nhặt” thuộc tình huống hành động/ “Chiếc thuyền ngoài xa” là tình huống nhận thức.
+Đối với thơ ca, trước khi các em phân tích đoạn thơ/ bài thơ, có thể giới thiệu sơ qua đặc trưng của thơ: tính trữ tình sâu sắc, ngôn ngữ giàu hình tượng… là những đặc trưng quan trọng của thơ ca.
+Khi phân tích những không gian thiên nhiên, cuộc sống trong văn học, có thể lồng ghép khái niệm KHÔNG – THỜI GIAN NGHỆ THUẬT trong lí luận vào để lí giải. Chẳng hạn: Không gian nghệ thuật trong “Vợ nhặt” là không gian xóm ngụ cư, không gian nhà bà cụ Tứ. Không gian nghệ thuật trong “Tây Tiến” là thiên nhiên núi rừng miền Tây. Không gian nghệ thuật trong “Vợ chồng A Phủ” là không gian Tây Bắc xinh đẹp, thơ mộng nhưng thoáng buồn…
+Mỗi tác phẩm đều có một cái hay riêng, vậy các em có thể dùng lí luận về PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT (“Mỗi công dân có một dạng vân tay – Mỗi nghệ sĩ thứ thiệt có một dạng vân chữ – Không trộn lẫn”) để chỉ ra sự độc đáo của tác giả, tác phẩm. Vấn đề này các em có thể dùng để mở bài luôn vẫn được. Ví dụ như cùng viết về đề tài người lính, song mỗi người nghệ sĩ lại có một phong cách nghệ thuật khác nhau, cách nhìn khác nhau (“Một cuộc thám hiểm không cần đến những vùng đất mới mà cần đến những đôi mắt mới” – Mac xenprut) – Hình tượng người lính trong Tây Tiến đã để lại những dấu ấn khó phai trong lòng người đọc…
+Ngoài ra còn vô vàn những kiến thức, những câu nói hay. Có những câu nói các em có thể áp dụng cho mọi tác phẩm đều đúng, ví
dụ: “Văn học là nhân học” (M. Gorki), “Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”… Khi kết thúc các bài văn, các em có thể chỉ ra nhà văn/ nhà thơ (đang phân tích tác phẩm của họ) có sự sáng tạo độc đáo, sáng tạo làm nên sự bất diệt của nghệ thuật, sau đó vận dụng ngay câu nói của Nam Cao để nâng cao giá trị của nhà văn, nhà thơ đó: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay…” (Trích “Đời thừa”).
+Khi sắp kết bài, nếu còn thời gian, các em có thể sử dụng kiến thức lí luận GIÁ TRỊ VĂN HỌC để chỉ ra tác phẩm đó có giá trị thẩm mĩ, giá trị nhận thức, giá trị giáo dục hay không. Ví dụ: Đoạn thơ “Đất Nước” có giá trị nhận thức (về tình yêu nước, về tư tưởng: “Đất nước của Nhân dân”), đồng thời cũng có giá trị giáo dục (giáo dục thế hệ trẻ đô thị vùng bị tạm chiếm thời chống Mĩ xuống đường bảo vệ Tổ quốc…).
+Vị trí đặt để lí luận văn học: (1) Mở bài, (2)Đoạn đầu thân bài, (3) Lồng ghép vào phân tích, (4) Đoạn nâng cao trước khi kết bài,
(5)Kết bài.
Minh họa của anh về sự lồng ghép kiến thức lí luận về CẢM HỨNG LÃNG MẠN trong thơ cách mạng, trong khi đề không yêu cầu: “…Đoạn thơ là những nét vẽ bức tranh mà thiên nhiên là phông nền, người lính Tây Tiến là nhân vật trung tâm hiện lên với những nét đẹp đáng trân quý. Một Tây Bắc hoang dã, hiểm trở thấp thoáng bóng dáng người lính Tây Tiến vắt kiệt sức lực chinh phục thiên nhiên nhưng không bao giờ bỏ cuộc vì lí tưởng cao đẹp. Một Tây Bắc xinh đẹp, lãng mạn, ấm áp tình người, những người lính trẻ trung, đa tình mở rộng lòng mình đón nhận những điều tươi đẹp. Quang Dũng đã gợi nhiều hơn tả, không chỉ làm hiện lên trước mắt người đọc khung cảnh thiên nhiên núi rừng miền Tây mà còn ghi lại cái hồn của cảnh vật. Cảm hứng lãng mạn là đặc điểm nổi bật trong hồn thơ Quang Dũng. Đôi khi thơ ông chìm vào cái bi, lập tức Quang Dũng nâng cái bi bằng cảm hứng lãng mạn bay bổng để hình tượng thơ tráng lệ, giọng thơ hào hùng, con người dũng cảm, kì vĩ hơn bao giờ hết. Cảm hứng lãng mạn, nhất là chất trữ tình cách mạng là một thành tố quan trọng của thơ ca cách mạng. Chất lãng mạn của bài thơ Tây Tiến giúp Quang Dũng khẳng định vẻ đẹp của con người Việt Nam một thời đã qua: trong chiến tranh khốc liệt, con người vẫn hiên ngang, vươn tới vẻ đẹp lí tưởng và vẻ đẹp cuộc đời. Đó là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp họ vượt qua thử thách của chiến tranh. Bài thơ đã tạc vào tâm tưởng mỗi người bức tượng đài bất tử về người lính Tây Tiến – những người đã từng dâng hiến máu xương vì lí tưởng cao đẹp của cuộc đời. Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay lớn lên trong bầu không khí thanh bình, được học tập, phát triển bản thân. Khói lửa chiến trường, “gươm kề tận cổ súng kề tay” chỉ còn xuất hiện trong những trang sách, qua lời kể của những người đi qua cuộc chiến. Chúng ta biết rằng để có được cuộc sống hôm nay, biết bao người đã đổ máu xương gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng. Vậy nên, chúng ta hãy sống sao cho trọn vẹn nghĩa tình, biết ơn thế hệ cha anh, sống nhiệt thành, mai này lớn lên làm tròn sứ mệnh của mình đối với quê hương xứ sở”.
2. Kỹ năng chuyển đoạn
Một bài văn gồm nhiều đoạn văn, ngay cả trong thân bài thôi đã có tới 4, 5 đoạn, vậy ta phải chuyển như thế nào? Với anh, có những cách chuyển sau đây:
-Dùng các thành phần chỉ thứ tự để bài văn mạch lạc và chắc: Trước hết, ngay sau đó, tiếp đến, sau cùng…
-Đặt câu hỏi, chẳng hạn: Liệu người đàn bà hàng chài có phải là nhân vật hoàn toàn đáng trách hay không? Trách làm sao được khi bà ta đã dùng cả cuộc đời mình, hạnh phúc của mình để dang tay cưu mang những đứa con, sống vì con…
-Dùng cấu trúc câu: “Nhưng…” để bắc sang. Chẳng hạn: Nhưng dẫu cùng cực thế nào thì phẩm chất tốt đẹp trong người nông dân đói khổ kia không bị thui chột, ngược lại nó càng sáng và đẹp hơn bao giờ hết. Trong gian khổ, tình người được đề cao (“Vợ nhặt”).
-Dùng cấu trúc: “Ở một khía cạnh khác, ta còn thấy được…”, “Mặt khác,…”.
-Dùng cấu trúc: “Nương theo/ xuôi theo chiều dọc bài thơ (xuôi theo dòng cảm xúc của tác giả), người đọc còn nhận ra…”. Chẳng
hạn: Xuôi theo mạch nguồn nỗi nhớ đang dâng lên như con sóng trong lòng Quang Dũng, người đọc còn nhận ra hình ảnh sâu đậm nhất trong tâm trí của thi nhân chính là những người đồng đội – người lính Tây Tiến hào hoa, lãng mạn…
-Sắp kết thúc một vấn đề nào đó, dùng cấu trúc “Vậy là…”, “Hóa ra…”. Chẳng hạn: Vậy là những con người đói khổ kia đã không buông bỏ cuộc đời, không dễ dàng rơi xuống vực thẳm. Dẫu đói khổ thế nào họ vẫn khao khát bám víu cuộc đời, để được sống, để được là Con Người thực sự. (“Vợ nhặt”)
…
3.Kỹ năng viết luận điểm
-Yêu cầu luận điểm: sáng rõ, hoặc khẳng định, hoặc phủ định, mang tính chất người làm bài đưa ra nhận định. Hoặc đôi khi dùng kiểu câu nghi vấn vẫn hợp lí, nhưng phải đúng trường hợp.
-Đừng nên viết luận điểm quá dài, lan man, cũng đừng tham mà phân tích dẫn chứng hay lấn sân sang diễn giải. Nên nhớ luận điểm chỉ để đưa ra quan điểm của người làm bài. Để tránh lỗi diễn giải lan man, giải thích, bình luận ngay trên luận điểm, các em có thể không trích dẫn từ, cụm từ, vế câu dẫn chứng đưa vào luận điểm.
+Lỗi sai: Trong khổ đầu bài thơ “Sóng”, Xuân Quỳnh đã thể hiện những trạng thái đối lập nhau của sóng biển ngoài khơi hay của chính tâm hồn người con gái, những con sóng khi thì “ồn ào” khi thì “lặng lẽ”, cũng như người con gái lúc lại cộc cằn, ương ngạnh, lúc lại rất dễ thương. (Qúa dài, sa vào phân tích)
+Nên viết: Ngay trong khổ thơ đầu nhà thơ đã thể hiện những trạng thái đối nghịch của con sóng ngoài biển khơi, nó có những nét tương đồng với tâm hồn người con gái.
Minh họa hệ thống luận điểm cho câu 2 (mục II) đề tham khảo lần 2 vừa rồi:
+Ngay từ đầu bài thơ, Quang Dũng đã để lại ấn tượng về nỗi nhớ của người lính đã xa rời đoàn quân Tây Tiến, trong một khoảnh khắc nào đó những kí ức cũ hiện về trong miên man dòng nhớ.
+Không gian thiên nhiên Tây Bắc – đối tượng thứ nhất của nỗi nhớ “chơi vơi” bỗng chốc hiện lên ở những dòng thơ tiếp.
+++Một thiên nhiên khắc nghiệt, dữ dội, sương mù và gió núi bao la từng ngày từng giờ vắt kiệt sức người lính chiến
+++Thế nhưng, thiên nhiên Tây Tiến đâu phải chỉ có mỗi vẻ khắc nghiệt, dữ dội, đâu chỉ có dốc thẳm đèo cao cùng thứ sương mù che dáng người đi trong mờ mịt? Bằng đôi mắt lãng mạn, nhạy cảm của người chiến sĩ, Quang Dũng nhận ra có một Tây Bắc rất đỗi nên thơ, trữ tình trong tầm mắt người, dịu dàng như người con gái.
+ Quang Dũng tiếp tục mở ra một Tây Bắc dữ dội, hùng vĩ theo chiều thời gian:
+ Ở đoạn thơ này, Quang Dũng đã dành hai câu thơ để khắc họa trực tiếp vẻ đẹp bi tráng của người lính Tây Tiến trong khoảnh khắc thiêng liêng:
+ Khép lại đoạn thơ thứ nhất là hai câu thơ ấm áp tình quân dân
4.Kỹ năng tìm dẫn chứng tiêu biểu, đưa dẫn chứng
-Thuộc dẫn chứng là tốt, nhưng các em phải biết tiết chế chỗ nào nên đưa dẫn chứng dài thì đưa, chỗ nào cần cắt gọn để chỉ đưa những điểm nhấn vào thì cắt gọn.
-Thuộc những câu then chốt: Khi học văn xuôi, không nhất thiết các em phải thuộc một câu văn dài trong tác phẩm hay thuộc hết lượt lời của nhân vật, trừ những câu văn mang tính bao quát chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Em hãy thuộc những câu văn then chốt nhất. Chẳng hạn, nếu em là một người không dễ gì nhớ được một câu văn dài miêu tả sông Đà trữ tình mà Nguyễn Tuân viết: “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân” thì em chỉ cần nhớ cụm từ “tuôn dài như một áng tóc trữ tình” là đủ. Việc đưa trọn vẹn, chính xác một câu văn dài trong tác phẩm vào bài văn và tiết chế mình lại, không tham dẫn chứng thì nó sẽ phát huy công dụng tối đa, khiến người đọc phải ồ lên mà khen ngợi: “Bạn ấy nắm dẫn chứng thật tuyệt vời!”.
5.Kỹ năng giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận
-Thao tác lập luận giải thích: Là cắt nghĩa một sự vật, sự việc, hiện tượng,… để người khác hiểu rõ vấn đề.
Minh họa:
“Nhân hậu” là giàu lòng thương người, chỉ muốn mang những điều tốt lành đến với người khác, sẵn sàng cưu mang, bảo bọc người khác khi họ gặp hoạn nạn.
-Thao tác lập luận phân tích: Là chia nhỏ vấn đề thành nhiều khía cạnh, tiêu chí, quan hệ,… để làm sáng tỏ vấn đề chung một cách toàn diện.
Minh họa:
Nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân có ba nét đẹp:
-Anh dũng, kiên trung.
-Tài hoa, viết chữ đẹp.
-Nhân cách thanh cao, thiên lương trong sáng.
-Thao tác lập luận chứng minh: Là dùng những bằng chứng xác thực để làm rõ vấn đề, tăng độ tin cậy của người khác vào vấn đề. Minh họa:
Ýchí, nghị lực có vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Nick Vujicic, diễn giả nổi tiếng sinh ra thiếu hai tay, hai chân, nhưng anh đã vượt qua trở ngại bệnh tật, tốt nghiệp đại học tài chính năm 21 tuổi, trở thành nhà diễn thuyết nổi tiếng và truyền cảm hứng tới 3 triệu người trên thế giới. Anh nổi tiếng với phương châm “Cuộc sống không giới hạn”. Nick Vuijic chính là tấm gương cho sự vươn lên mạnh mẽ, gan góc từ trong nghịch cảnh.
– Thao tác lập luận so sánh: Là làm sáng tỏ vấn đề trong mối tương quan với các vấn đề khác. Minh họa:
Sự chuyển mình, “nổi loạn” của cô Mị trong đêm tình mùa xuân (trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài) gợi liên tưởng đến lần tỉnh rượu đầu tiên từ sau khi ra tù của nhân vật Chí Phèo (trong “Chí Phèo” của Nam Cao). Song, nếu Mị say rượu để quên đi thực tại đau lòng, nhớ về quá khứ rực rỡ, tươi trẻ của mình thì Chí Phèo lại tỉnh rượu để nhận mình còn là một con người, được yêu thương, được chăm sóc bởi tay người đàn bà cùng khổ, nhận ra mình cô độc vô cùng ở cái tuổi sắp xế bóng.
– Thao tác lập luận bình luận: Là bàn bạc, nhận xét, đánh giá về một vấn đề nào đó. Minh họa:
Trong bài thơ “Nghe thầy đọc thơ”, Trần Đăng Khoa đã bộc lộ những cảm xúc của mình khi hồi tưởng lại giọng thầy trong đêm khuya thinh vắng. Bài thơ – những câu chữ bình dị – qua lời thầy lại trở nên có hồn, tác động mạnh vào tâm hồn trong sáng. Qua lời thầy đọc thơ, sắc màu hiện lên (“đỏ nắng xanh cây”), âm thanh văng vẳng gợi những kí ức xa ngái (“tiếng của bà năm xưa”, “trăng thở động tàu dừa”, “rào rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời”) và sự chuyển động của thiên nhiên tạo vật (“Mái chèo nghiêng mặt sông xa”)… Bài thơ cho thấy sự hồn nhiên, trong trẻo trong tâm hồn của thi sĩ, đồng thời thể hiện được tấm lòng nhớ thương, kính trọng của tác giả đối với người thầy trong kí ức tuổi thơ của mình. “Nghe thầy đọc thơ” là một trong những bài thơ hay ẩn chứa nỗi lòng của biết bao thế hệ học trò đối với quê hương, thầy cô, mái trường thân thuộc.
– Thao tác lập luận bác bỏ: Là trao đổi, tranh luận để bác bỏ ý kiến được cho là sai hoặc còn nhiều mặt hạn chế. Minh họa:
Câu ca dao: “Ta về ta tắm ao ta – Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” tuy khẳng định được sự thủy chung với “ao ta” (hay nói cách khác là những giá trị mà chúng ta tạo ra từ xa xưa) nhưng vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Rõ ràng, nếu người ta cứ giữ mãi thái độ “về tắm ao ta”, “ao nhà vẫn hơn”, bỏ qua mọi điều hay lẽ phải bên ngoài thì quả là bảo thủ, tiêu cực. Vậy nên câu ca dao ấy chưa hoàn toàn là đúng! Chúng ta nên tiếp thu ở một mức độ vừa phải, tránh gây ra những suy nghĩ tiêu cực cho bản thân sau này.
6.Kỹ năng chọn dẫn chứng để liên hệ
-Các tác phẩm được học có khả năng hỗ trợ cho nhau nên các em phải tận dụng hết tất thảy những gì được học. Khi làm bài “Đất Nước” (NKĐ) có thể liên hệ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi.
-Các tác phẩm văn học được tuyển chọn trong chương trình Ngữ văn THPT tiêu biểu cho những giai đoạn văn học nổi tiếng trong tiến trình văn học Việt Nam. Vì vậy mà anh có sự mong chờ và cảm hứng tìm tòi, nghiên cứu. Anh phát huy kĩ năng ghi chép của mình trong quá trình tiếp cận các tác phẩm văn học. Sổ tay văn học của anh giai đoạn này có sự phân chia rạch ròi, khoa học. Trong quá trình đọc sách Lí luận văn học, tôi tóm tắt ngắn gọn và dễ nhớ những kiến thức cơ bản cần thiết rồi ghi vào sổ tay để làm tài liệu riêng cho mình. Anh sưu tầm những nhận định bàn về các tác phẩm cụ thể rồi ghi lại rồi khéo léo đưa vào trong quá trình viết văn. Chẳng hạn, về “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, tôi ghi chú lại nhận định của nhà phê bình Lê Tiến Dũng: “Đọc xong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài. Gấp lại trang sách rồi mà chúng ta vẫn không quên được gương mặt “buồn rười rượi” của Mị. Đó là gương mặt mang nỗi đau của một kiếp người không bằng ngựa trâu”; Về tùy bút “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân, anh ấn tượng với lời nhận xét của Nguyễn Đăng Mạnh: “Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra một con Sông Đà không phải là thiên nhiên vô tri, vô giác. Mà là một sinh thể có hoạt động, có tính cách, cá tính, có tâm trạng hẳn hoi và khá phức tạp. Nó có hai nét tính cách cơ bản đối lập nhau như tác giả nói – “hung bạo và trữ tình…”; Về bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng, anh phát hiện một nhận định hay của nhà nghiên cứu Đinh Minh Hằng: “Tây Tiến nơi mà con người Tây Tiến, chiến sĩ Tây Tiến, núi rừng Tây Tiến đã vượt ra ngoài những cảm quan ban đầu của hồn thơ Quang Dũng để đến với đại ngàn thi hứng. Nơi ấy, cuồn cuộn dòng chảy lạnh lùng và đa tình, hiện thực và lãng mạn, bi và tráng. Một Tây Tiến không chỉ níu kéo bước chân người lính trong nỗi niềm nhớ… Tất cả đều gợi ấn tượng của sự “lạ hóa”, của những vẻ đẹp kì ảo khó gọi tên…” và còn vô vàn những nhận định, những ý kiến bàn về tác phẩm văn học mới mẻ, sâu sắc khác được anh ghi chép lại rồi sử dụng trong phần liên hệ, bài nghị luận văn học.
Ngoài ra, anh dành nhiều trang để sưu tầm và ghi chép vào trong sổ tay văn học những câu thơ, bài thơ hay khác nhau, có sức sống mãnh liệt trong lòng bạn đọc bao thế hệ rồi đọc đi đọc lại đến thuộc từng câu từng chữ. Anh dùng những câu thơ, bài thơ đó làm dẫn chứng liên hệ, mở rộng trong khi viết văn. Chẳng hạn, khi tìm hiểu vấn đề tình yêu của người phụ nữ qua “Sóng” của Xuân Quỳnh, anh giở sổ tay văn học ra và đọc lại bài thơ “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn mà anh đã ghi chép từ trước để so sánh, đối chiếu những biểu hiện tình yêu của người con gái trong cùng thời điểm lịch sử: cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ cứu nước – anh đặt tên cho phần so sánh, đối chiếu với một bài thơ, một nhân vật trong tác phẩm văn xuôi khác trong bài nghị luận văn học chính là phần mở rộng vấn đề, nâng cao kiến thức, giúp cho bài văn thêm sâu sắc, nâng tầm kiến thức, điểm số vì thế cũng cao hơn.
-Khi phân tích, cảm nhận, bàn luận về một hay nhiều ý kiến bàn về tác phẩm văn học thuộc chủ đề Tổ quốc, tình yêu đất nước bao la (“Tây Tiến”, “Việt Bắc”, “Đất Nước”, “Rừng xà nu”,…), anh chẳng những đọc tác phẩm trong sách giáo khoa mà còn đọc thêm những tác phẩm xoay quanh, cùng chủ đề, cùng hoặc khác giai đoạn sáng tác, của các tác giả khác rồi ghi chép những dẫn chứng tiêu biểu, dễ thuộc dễ nhớ vào sổ tay văn học. Chẳng hạn, vấn đề đất nước trong văn chương được thể hiện qua những câu thơ:
“Tổ quốc tôi
Sáng chói không gian lung linh giữa ánh trời Gương mặt bạn bè
Không còn gặp lại Thương lắm nụ cười Trước lúc chia tay
Tổ quốc tôi ở trong lồng ngực tôi đây
Trong hơi thở, trong mặn nồng máu thịt
Trong giọng nói, trong nụ cười tha thiết
Trong suốt cuộc đời cơ cực, sướng vui”
(Lâm Thị Mỹ Dạ)
“Khi Tổ quốc sang trang con vẫn nhìn thấy mẹ
Khi Tổ quốc gọi tên từng thế hệ
Trong vinh quang con không phải cúi đầu…”
(Lệ Thu)
“Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ
Xanh núi xanh sông xanh đồng xanh biển
Xanh trời xanh của những giấc mơ”
(Tố Hữu)
“Trong ánh sáng diệu kỳ, Đảng gọi ta theo
Đường ta đi, gian khổ vẫn còn nhiều
Ôi Tổ quốc đau thương! Sao yêu Người đến thế!
Ta đã dâng Người cả chặng đường tuổi trẻ
Còn chặng này, Người nhận tiếp
Tổ quốc ơi!”
(Cẩm Lai)
Và còn rất nhiều đoạn thơ khác được anh chép vào sổ tay văn học xoay quanh chủ đề này, trích từ những bài thơ như: “Bên kia sông Đuống” (Hoàng Cầm), “Khoảng trời – hố bom” (Lâm Thị Mỹ Dạ), “Bài thơ về hạnh phúc” (Dương Hương Ly), “Núi đôi” (Vũ Cao), “Tổ quốc nhìn từ biển” (Nguyễn Việt Chiến), “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” (Chế Lan Viên)…
Chúc các em nắm vững kĩ năng cho mình nhé. Đây chỉ là một vài chia sẻ nho nhỏ thôi, nhưng mong rằng các em sẽ đón nhận.
Thương quý các em.